Đ.T (21 tuổi, Đắc Lắc), là sinh viên năm tư ngành Văn hóa học trường Đại học Khoa học xã hội – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều kinh nghiệm học tập và tham gia nhiều hoạt động trong thời gian học đại học. Trải qua bốn năm tại môi trường đại học, bạn T.  đã có nhiều trải nghiệm và nhiều cung bậc cảm xúc tại đây. Những bài học được T. chia sẻ chắc chắn sẽ giúp ích được nhiều bạn sinh viên năm nhất, để có một tinh thần tốt nhất trong suốt quá trình học đại học.

Cùng lắng nghe câu chuyện của T. nhé!

WHY

“Hàng tá” vấn đề bị đè nén.

Như bao tân sinh viên khác, thời gian đầu các bạn có những lúc thấy nhớ nhà, căng thẳng với chương trình học mới hay cảm thấy áp lực khi sinh hoạt hàng ngày quá khác biệt so với thời phổ thông. Như bạn T chia sẻ:

Vì là một sinh viên xa nhà, mỗi lần về nhà mất khoảng 8 tiếng di chuyển nên mình ít khi về nhà. Vậy nên đến những dịp đặc biệt như lễ hoặc cuối tuần phải ăn cơm một mình lại thấy rất nhớ nhà, hay những lần bị ốm không ai bên cạnh sẽ cảm thấy khó khăn và tủi thân hơn”.

Qua thời gian đầu, khi làm quen được với bạn bè và tham gia hoạt động của trường, của khoa nhiều hơn thì T lại đối mặt với một vấn đế khác là đó là việc bị tự ti và áp lực đồng trang lứa. Môi trường đại học rộng mở với bạn bè đến từ nhiều vùng miền tạo nhiều điều kiện để các bạn sinh viên học hỏi lẫn nhau, nhưng bên cạnh đó cũng là một môi trường cạnh tranh hơn nhiều so với trường phổ thông. Với trường hợp của bạn T, rất nhiều lần

bạn đã tự dằn vặt mình với các câu hỏi như “làm sao để bắt kịp các bạn?”, “mình không đủ giỏi nên không được tuyển vào câu lạc bộ đúng không?”, “liệu mình có đang làm đúng?”.

Anh Đinh Huỳnh Đức – Chuyên viên tham vấn tâm lý, Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ với báo Tuổi trẻ: “tân sinh viên lúc này thường có đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi này thường chưa ổn định nên các bạn dễ rơi vào trạng thái khó cân bằng cảm xúc và chưa có các cách ứng phó thích hợp với căng thẳng, áp lực”. 

Thiếu tự tin vào bản thân, áp lực đồng trang lứa, căng thẳng trong học tập và  nghi hoặc những quyết định của mình là những vấn đề mà rất nhiều sinh viên đang gặp. Nếu có những cảm giác, áp lực hay khúc mắc tâm lý như trên thì hãy xem việc đó là bình thường bạn nhé. Không chỉ có mỗi mình bạn mình đang phải trải qua đâu. Thế nên việc đầu tiên cần làm để hành trình đại học của bản thân được thuận lợi và rực rỡ là “ Tăng cường sức đề kháng tốt nhất cho tinh thần của mình”.

Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn tăng cường sức đề kháng hiệu quả:

Chuẩn bị tinh thần. Tăng cường sức đề kháng cho việc gì?

Trong thời gian đầu, khi vừa thay đổi đồng thời môi trường sống, học tập, bạn cần cho mình thời gian để thích nghi với môi trường mới. Cảm thấy khó khăn trong thời gian này là một phần tự nhiên của quá trình thích nghi, thế nên hãy mở cửa trái tim và tâm trí để chấp nhận sự thay đổi và học hỏi từ môi trường mới. 

Để không cảm thấy lạc lõng và bớt cảm giác nhớ nhà bạn nên giữ liên lạc thường xuyên với gia đình. Tham gia vào các hoạt động xã hội, các câu lạc bộ ngoại khóa, các nhóm hoạt động theo sở thích của mình là một cách rất hiệu quả để bạn dần hòa nhập vào môi trường mới. Điều này giúp bạn kết nối với những người có sở thích tương tự và xây dựng mối quan hệ xã hội,và cũng giúp bạn đỡ cô đơn hơn. Khi dần quen với môi trường mới hơn bạn sẽ đỡ nhớ nhà nhiều hẳn đấy. 

Khi bị “ngợp” giữa biển kiến thức ở giai đoạn đầu, bạn cần tìm hiểu thêm về các phương pháp học tập hiệu quả ở đại học. Nếu tìm được một anh chị lớp trên để hướng dẫn thì quá tốt. Bạn T. ở trên cũng có chia sẻ tương tự với “Trong học kì đầu vì toàn môn đại cương khó và nặng cộng với chưa biết cách học nên trung bình các môn của mình chỉ được 6. Thời điểm đó mình đã cực kì thất vọng với bản thân. Nhưng khi quen hơn, học tập có phương pháp hơn và có thể quản lý căng thẳng của bản thân bằng một số cách như nghỉ ngơi, thiền, chạy bộ hay viết nhật ký thì kết quả khi ra trường mình đã được trên 8.0”.

Trong quá trình học tập, có rất nhiều quyết định mà sinh viên phải đưa ra chọn môn học nào, theo chương trình học nào, tham gia hoạt động ngoại khóa nào, chọn chỗ trọ ở đâu, đi học bằng phương tiện nào cho thuận tiện. Lần đầu tiên xa nhà, phải đưa ra và chịu trách nhiệm với những quyết định của bản thân là một trải nghiệm rất mới và có thể làm nhiều sinh viên năm 1 căng thẳng, nhất là khi bạn chưa được hướng dẫn các kỹ năng này trước đây. Thực tế, không có quyết định hoàn hảo mà chỉ là những quyết định phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Đối với những việc có ảnh hưởng lớn, bạn có thể cần tham khảo ý kiến gia đình, những chuyên gia hoặc những người có kinh nghiệm.

Làm gì khi nhận thấy sức đề kháng giảm sút?

Đầu tiên, hãy hiểu rằng cảm xúc và tâm trạng thay đổi là điều bình thường. Việc thường xuyên tự quan sát và nhận biết sớm những biểu hiện của tâm trạng như lo âu, căng thẳng, hoặc buồn rầu là bước đề kháng đầu tiên và vô cùng quan trọng để giúp bạn mau chóng phục hồi.

Khi nhận thấy tinh thần và tâm trạng của bạn thường xuyên bất ổn, hoặc bạn cảm thấy buồn chán, mất động lực suốt một khoảng thời gian dài, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ người thân, bạn bè, hoặc các dịch vụ  hỗ trợ sinh viên của trường. Các trường đại học đều có phòng công tác hỗ trợ sinh viên; là nơi bạn có thể được hướng dẫn, tư vấn và cung cấp những nguồn lực để giải quyết khó khăn của mình. Bên cạnh đó, hiện có nhiều tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ tâm lý như CSAGA, Đường dây nóng ngày mai,… mà bạn có thể tìm đến.

Một số hoạt động bổ trợ tự thân về mặt tinh thần cho sinh viên mà không tốn chi phí nào như thiền, tập thể dục, viết nhật ký… Đừng quên dành thời gian cho bản thân, học cách cân bằng giữa việc học và hoạt động tinh thần. Điều đó sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, áp lực trong quá trình thích nghi.

Cuối cùng, hãy nhớ rằng bất kỳ ai cũng có thời điểm cảm thấy bất ổn tinh thần và đó là điều hoàn toàn bình thường. Cuộc sống đại học có thể thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống nhưng là một cơ hội tuyệt vời để học hỏi và phát triển. Bằng cách để ý và học cách “tăng cường sức đế kháng tinh thần” cho bản thân, bạn  hoàn toàn có thể tận hưởng mọi niềm vui và cơ hội ở môi trường mới.