Theo khảo sát của năm 2021 của Zety (một nền tảng hỗ trợ kỹ năng nghề nghiệp), 53% GenZ nói rằng điều quan trọng là công việc của họ phải có ý nghĩa và 71% Gen Z sẽ giảm lương để làm những công việc có ý nghĩa. Ngoài ra, gần một nửa Gen Z (43%) cho biết một trong những mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của họ là biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

1. Điều gì làm nên công việc có ý nghĩa đối với GenZ

 

Riêng từ ‘ý nghĩa” đã là một sức hút khó chối từ đối với mọi thế hệ và “công việc ý nghĩa” được cho là khối ngành nghề đang tạo nên sự thu hút vô tận đối với thế hệ việc làm mới nhất – GenZ. Khi lần đầu nghe cụm từ “công việc ý nghĩa” bạn sẽ mường tượng đến điều gì đầu tiên? 

Chúng ta đôi khi sẽ có những tưởng tượng trong tâm trí đây là những công việc hy sinh vì mọi người, tập trung tạo giá trị nhân văn cho xã hội như bác sĩ, lính cứu hỏa hay giáo viên… Cứ thế mà nhiều bạn bài trừ các công việc ngồi văn phòng 8 tiếng vì thấy nó không có gì hơn ngoài “làm công ăn lương”, nhàm chán và không có nhiều giá trị. Liệu đó có thực sự là những suy nghĩ toàn vẹn nhất cho khối ngành “công việc ý nghĩa”? 

Làm việc tốt hằng ngày và có cảm giác thoải mái, hạnh phúc với công việc mình làm bởi giá trị được tạo ra làm thế hệ trẻ hứng thú với công việc này nhiều hơn cả. Theo khảo sát của Zety, với 200 bạn GenZ tham gia thị trường lao động, 53% GenZ nói rằng điều quan trọng là công việc của họ phải có ý nghĩa và 71% Gen Z sẽ giảm lương để làm những công việc có ý nghĩa. Ngoài ra, gần một nửa Gen Z (43%) cho biết một trong những mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của họ là biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn.

2. Tại sao GenZ lại bị thu hút bởi các công việc ý nghĩa? 

 

Thế giới đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết nhưng đi kèm đó là nhiều vấn đề xã hội phát sinh như chênh lệch giàu nghèo, môi trường và các vấn đề về sức khỏe đang trở nên sâu rộng hơn. Được tiếp cận sự giáo dục đa dạng và lâu dài hơn các thế hệ trước, thế hệ genZ sớm nhận ra các điều bất cập này và ước mơ được đóng góp tích cực cho xã hội và làm thay đổi thế giới trở nên tốt hơn đủ lớn để thu hút các bạn. 

Trước hết điều đó xuất phát từ việc mong muốn phải tìm được công việc thật sự yêu thích. GenZ quan niệm rằng thật đau khổ nếu phải dành ra hơn 1/3 cuộc đời (8 tiếng/ ngày) để làm việc gì đó mình không thích. Hơn nữa, “công việc ý nghĩa” tạo cho nhiều người cảm giác có Life in Work (cuộc sống ở trong công việc) và tiến tới gần hơn với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống (work-life balance).

 Họ tin rằng sẽ dễ dàng có được sự thỏa mãn trong công việc khi giá trị công việc mang lại khớp với các giá trị cá nhân.

Đáng chú ý, các nhà khoa học tại trường Đại học Sussex và Greenwich cho rằng: trái với suy nghĩ của nhiều người, ý nghĩa của một công việc có thể sinh ra từ (những) trải nghiệm có phần cay đắng, thay vì những trải nghiệm tích cực. Chẳng hạn một người bị bạo hành gia đình, bị kìm kẹp, không được quyền nói lên tiếng lòng thì có thể thấy sự tự do và dễ dàng thể hiện nội tâm của các nghệ sĩ là một điều rất quý. Hoặc những người trải qua sự khó khăn bệnh tật trong thời kỳ COVID sẽ hướng đến các công việc về sức khỏe. 

Tuy nhiên, chiếm một phần không nhỏ trong động cơ thúc đẩy các bạn trẻ tìm đến với các công việc ý nghĩa lại là tác động của mạng xã hội. 

 Với độ phủ sóng và ảnh hưởng đến giới trẻ hơn bao giờ hết, mạng xã hội liên tục tạo nên các trào lưu, xu hướng và đưa ra các lời khuyên, các thông tin không chính xác, hoặc chưa được kiểm chứng về nghề nghiệp. Việc chọn ngành theo các bài viết, video hot trên TikTok, Facebook hay “các bạn đều theo nên mình theo” đang trở thành phương hướng của nhiều GenZ. Nhưng rõ ràng, chọn việc theo xu hướng chứ không phải dựa  trên sự hiểu biết đầy đủ về bản thân và thế giới nghề nghiệp là sai lầm tai hại và hậu quả khôn lường. 

3. Thế hệ trẻ tại sao phải tìm hiểu kỹ trước khi tìm công việc có ý nghĩa. 

Công việc hay sự nghiệp là yếu tố dài hạn mà mỗi cá nhân phải đầu tư rất nhiều thời gian và công sức để định hình, xây dựng và  theo đuổi. Thế nên để chọn “công việc ý nghĩa” bạn không thể chỉ dựa theo những mơ ước, mường tượng, đồ đoán hoặc dấu hiệu đến từ mạng xã hội để làm thước đo chọn lựa được. 

Lưu ý rằng, một công việc bạn cho là có ý nghĩa và tìm thấy ý nghĩa trong công việc ban đang làm là hai điều khác nhau. Phải xác định rõ, bạn đang tìm kiếm cái gì. Hơn thế nữa, sự thỏa mãn đến từ các công việc ấy có được kéo dài không hay nó chỉ là cảm giác ý nghĩa tức thời. Thật khó cho cảm giác hôm nay thấy công việc này ý nghĩa nhưng mai nó chẳng nghĩa lý gì. Qua thời gian, bạn có thể cảm thấy nhạt nhòa và nhàm chán và mất động lực tiếp tục vì “nó không như mơ”. Trong trường hợp khác, để theo đuổi ước mơ công việc ý nghĩa, đôi khi bạn tốn nhiều năm học tập và thực chiến cho một công việc có thể không phải là thế mạnh kỹ năng của bạn và do đó bỏ đi những cơ hội phát triển phù hợp hơn.

Bất kỳ công việc nào cũng là công việc có ý nghĩa nếu nó tạo ra các giá trị đóng góp cho sự tồn tại và phát triển cho bản thân người làm việc, cho gia đình của họ, cho cộng đồng và cho xã hội. Mỗi cá nhân chỉ có thể tìm được công việc ý nghĩa, hay ý nghĩa trong công việc đang làm khi công việc đó thực sự phù hợp với con người bạn và cho phép cống hiến sức lực, thời gian, kỹ năng của mình tạo ra các kết quả tốt nhất. 

Với các bạn trẻ genZ vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, theo đuổi một ý niệm mơ hồ “ công việc có ý nghĩa” có thể dễ làm bạn lạc lối, mất đi chi phí cơ hội và thời gian vàng để phát triển bản thân.  Hãy xác định mục tiêu nghề nghiệp cho bạn trong từng giai đoạn cụ thể. Nó sẽ giúp bạn đi đúng hướng trong khi vẫn có thể phóng tầm nhìn ra xa để hình dung con đường phía trước.