Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong quý II năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học là 49,7%, trong khi số người tìm việc có trình độ đại học chiếm 61,1%. Điều này cho thấy có sự chênh lệch lên đến 11,4% giữa cung và cầu lao động trình độ đại học. Ông Bùi Văn Linh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng Nhân lực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chỉ ra rằng một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thất nghiệp hoặc khó tìm việc tốt của giới trẻ sau khi tốt nghiệp đại học bao gồm: học sai ngành, chọn sai trường, thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, thiếu định hướng về chọn ngành chọn nghề. (Tham khảo thêm tại: Link)
Vậy “LIỆU ĐẠI HỌC CÓ THẬT SỰ LÀ CON ĐƯỜNG NHANH NHẤT DẪN ĐẾN THÀNH CÔNG?”
Trong một buổi tham quan nhà máy sản xuất dụng cụ cầm tay tại Bình Dương, khá nhiều bạn trong một nhóm 40 sinh viên đại học X đã có thắc mắc trên khi nghe Giám đốc nhà máy, còn khá trẻ, chia sẻ rằng năng lực học tập liên tục và kỹ năng xã hội đóng vai trò quan trọng trong phát triển sự nghiệp. Bản thân anh đã trải qua hành trình từ sinh viên trung cấp nghề đến cao đẳng và đại học, chứng minh rằng con đường thành công không nhất thiết phải theo định hướng “đại học chất lượng cao” mà còn phụ thuộc vào sự nỗ lực và quyết tâm của bản thân.
Ai cũng mong muốn một tương lai thành công trong sự nghiệp. Để đạt được điều đó, bạn cần có một chiến lược rõ ràng. Việc chọn con đường học tập là một phần không thể thiếu trong chiến lược đó. Vậy làm thế nào để có sự lựa chọn phù hợp với bạn?
- Lựa chọn ngành học phù hợp với điểm mạnh và phong cách học tập tối ưu của cá nhân: Đại học, cao đẳng hay trung cấp nghề không chỉ khác nhau về mức độ kiến thức mà còn khác nhau về cách truyền đạt kiến thức. Trong khi trung cấp hay cao đẳng nghề tập trung đào tạo kiến thức và kỹ năng thực tế (học thông qua thực hành) thì đại học đòi hỏi người học có thêm nền tảng lý thuyết (nghiên cứu lý thuyết + thực hành). Chọn được chương trình đào tạo phù hợp với trình độ và phong cách học tập của bản thân là yếu tố quan trọng để bạn đạt được kết quả học tập tốt nhất.
2. Lựa chọn mục tiêu học tập-việc làm phù hợp với bối cảnh của cá nhân: Tổng chi phí học tập không chỉ có học phí mà còn bao gồm chi phí học liệu (đặc biệt là sách), sinh hoạt phí (nếu bạn phải rời gia đình), chi phí tham gia các hoạt động khác của trường (để gia tăng trải nghiệm, kinh nghiệm), v.v. Vì vậy, nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép bạn tập trung theo đuổi ít nhất 4 năm đại học thì có thể cân nhắc các chương trình học cho phép bạn sớm đi làm và tích lũy tài chính rồi tiến dần đến mục tiêu cao hơn sau này.
3. Lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực học tập hiện tại: Yêu cầu về khả năng tiếp thu và sử dụng kiến thức cũng như cách truyền đạt kiến thức ở bậc đại học hoàn toàn khác so với bậc phổ thông. Vì thế, tìm hiểu yêu cầu đầu ra và phương pháp truyền đạt ở các chương trình đại học/ cao đẳng/ trung cấp nghề để có thể chọn được chương trình phù hợp với năng lực học tập của bạn là vô cùng cần thiết. Nếu chọn sai chương trình, bạn có thể rơi vào một trong các tình huống sau – (1) năng lực học tập không đáp ứng với yêu cầu khiến cho cho người học bị đuối sức trong quá trình học, dẫn đến kết quả học tập không như ý, thậm chí không thể hoàn thành việc học, hoặc (2) năng lực học tập vượt xa yêu cầu khiến cho người học thấy chán chương trình, trở nên chủ quan lơ là, dẫn đến kết quả học tập cũng không được như ý, hoặc tệ hơn là mất động lực học tập.
Mưu cầu một tương lai thuận lợi, thăng tiến trong công việc và đảm bảo đời sống tốt luôn là nhu cầu của bất cứ ai, đặc biệt là người học trước ngưỡng cửa chọn trường, chọn ngành. Sai một ly, đi không chỉ “một dặm” mà đôi khi là đánh đổi rất nhiều thứ về tài chính, sức khỏe thể chất tinh thần không chỉ của người học mà còn liên quan đến gia đình/người thân. Hãy tỉnh táo để có thể sáng suốt lựa chọn con đường tối ưu nhất cho mình.
Nếu bạn cảm thấy cần sự hỗ trợ ở ngưỡng cửa chọn ngành chọn trường, hãy liên hệ với SiF Career. Chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ và hướng dẫn cần thiết để bạn có thể quyết định con đường phát triển hợp lý cho bản thân.