Hỏi – đáp về hướng nghiệp

Dành cho sinh viên

Chào mừng bạn đến với trang Hỏi Đáp về Hướng Nghiệp dành cho sinh viên. Đây là thời kỳ quan trọng để xác định hướng đi nghề ghiệp và phát triển khả năng. Chúng tôi hiểu rằng việc lựa chọn ngành học và tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp là những thách thức không nhỏ. Dưới đây, chúng tôi đã tổng hợp một số câu hỏi thường gặp về lựa chọn ngành học nghề, tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp, kỹ năng tìm việc.

Nếu câu hỏi của bạn chưa được trả lời ở đây, đừng ngần ngại liên hệ với SiF Career. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trên hành trình định hình và phát triển con đường sự nghiệp mà bạn mơ ước.

Đưa ra quyết định nghề nghiệp

Khi nào cần đưa ra quyết định nghề nghiệp?

Hành trình sự nghiệp thường trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Ở mỗi giai đoạn, các cá nhân đều phải đưa ra quyết định nghề nghiệp để định hướng cho con đường phát triển của mình. Các cột mốc chủ yếu thường là: bắt đầu chọn ngành học, tốt nghiệp/ hoàn thành chương trình đào tạo, có cơ hội nghề nghiệp mới, sở thích/ mục tiêu nghề nghiệp thay đổi gặp nhiều thách thức trong công việc, không có động lực làm việc.

Lợi ích của một quyết định nghề nghiệp có đầy đủ thông tin là gì?

Quyết định nghề nghiệp dựa trên đầy đủ thông tin giúp tối ưu hóa sở thích, kỹ năng, giá trị nghề nghiệp của bản thân. Qua đó tạo sự tự tin, hài lòng trong công việc và là tiền đề cho cơ hội phát triển sự nghiệp, đồng thời giảm lãng phí thời gian và công sức cho cá nhân khi đưa ra lựa chọn không phù hợp.

Cần làm gì để có thể đưa ra một quyết định nghề nghiệp có đầy đủ thông tin?

Quyết định có đầy đủ thông tin là quyết định dựa trên sự suy nghĩ thấu đáo về các yếu tố tác động và kết quả có thể xảy ra. Để đưa ra một quyết định nghề nghiệp có đầy đủ thông tin, bạn cần tìm hiểu về bản thân, thu thập thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp khác nhau, đánh giá sự phù hợp của chúng với các kỹ năng, sở thích và giá trị bạn xem trọng, đồng thời dự đoán mỗi lựa chọn có thể tác động đến quỹ đạo nghề nghiệp tương lai của bạn như thế nào.
Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm.

Làm thế nào để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân

Để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân, bạn cần (1) nhận thức rõ một số đặc điểm của bản thân gồm sở thích, khả năng, tính cách, năng lực học tập, và giá trị nghề nghiệp bạn xem trọng, (2) hiểu đặc điểm công việc và môi trường làm việc trong lĩnh vực mà bạn quan tâm, (3) có kỹ năng để phân tích, đánh giá và đưa ra lựa chọn thấu đáo dựa trên các thông tin đã có.

Cần làm gì khi nhận thấy lựa chọn nghề nghiệp hiện tại không phù hợp với bản thân?

Khi cảm thấy nghề nghiệp hiện tại không phù hợp, bạn có thể làm một số việc sau đây:

* Xác định nguyên nhân cụ thể khiến công việc không hợp với bạn: do tính chất công việc, văn hóa công ty, hay là gì khác.

* Suy ngẫm về kỹ năng, sở thích, giá trị và mục tiêu của bạn. Xác định khía cạnh nào trong công việc hiện tại không phù hợp với những yếu tố này.

* Trao đổi với những người có kinh nghiệm trong ngành, cố vấn hoặc chuyên gia về nghề nghiệp để tìm giải pháp.

* Trong trường hợp sẽ chuyển ngành, hãy dành thời gian tìm hiểu, trải nghiệm lĩnh vực mới trước khi ra quyết định.

Những ai liên quan đến quá trình đưa ra quyết định nghề nghiệp ?

Quyết định nghề nghiệp của một cá nhân cần dựa trên sự hiểu biết về bản thân, về công việc, về thị trường lao động và các nguồn lực hỗ trợ. Trong quá trình thu thập và đáng giá thông tin, cá nhân này cần sự hỗ trợ của người thân, giáo viên, bạn bè, đồng nghiệp và những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn quan tâm. Những bên liên quan giữ vai trò cung cấp thông tin, trang bị kỹ năng, phản biện để cá nhân đó có thể đưa ra một quyết định nghề nghiệp sáng suốt.
Nhấn vào đường link để tìm hiểu thêm. 

Hiểu về bản thân

Tại sao phải hiểu về bản thân mới có lựa chọn nghề nghiệp phù hợp?

Tìm hiểu bản thân là bước đầu tiên và không thể thiếu trong quá trình định hướng nghề nghiệp. Đó là quá trình một cá nhân dành thời gian và tâm sức xác định các đặc điểm riêng biệt của bản thân để đưa ra các quyết định tương thích với mình. Tìm hiểu bản thân, khi liên quan đến việc định hướng và phát triển nghề nghiệp, bao gồm các khía cạnh như sở thích, khả năng, kỹ năng, niềm tin và giá trị nghề nghiệp. Một khi có thể vẽ được một bức tranh tổng thể về bản thân, bạn có thể dựa vào đó để cân nhắc, đưa ra các quyết định về nghề nghiệp vừa sức, phù hợp với khả năng, tạo cho bạn sự hứng thú, và nhờ đó bạn có động cơ và quyết tâm hoàn thành công việc. Đó là tiền đề cho một sự nghiệp thành công.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm.

Hiểu về bản thân là hiểu những khía cạnh nào của bản thân để đưa ra lựa chọn nghề nghiệp phù hợp?

Tìm hiểu bản thân, khi liên quan đến việc định hướng và phát triển nghề nghiệp, bao gồm các khía cạnh sau:

* Sở thích đại diện cho những gì khiến bạn thích thú, muốn tìm hiểu hoặc làm/tham gia vào.

* Khả năng là những điều bạn có thể làm hoặc những tố chất mà bạn sở hữu một cách tự nhiên giúp bạn trở nên khác biệt và cho phép bạn làm những việc nhất định mà không phải cá nhân nào cũng có thể làm được.

* Tính cách là sự kết hợp của những phẩm chất hình thành nhân cách khác biệt của bạn; là những đặc điểm khiến bạn là duy nhất, không hòa lẫn với bất kỳ ai.

* Giá trị nghề nghiệp là những điều cực kỳ quan trọng đối với bạn khi làm việc mà bạn sẽ khó thỏa hiệp.

Nhấn vào đây để tìm hiểu thêm.

Làm thế nào để có thể hiểu về bản thân?

Khám phá – tìm hiểu bản thân là quá trình một cá nhân dành thời gian và tâm sức xác định các đặc điểm riêng biệt của bản thân để đưa ra các quyết định tương thích với mình. Quá trình khám phá bản thân có thể được thực hiện qua các cách sau:
* Trải nghiệm thực tế: tham gia vào các cuộc thi, các hoạt động ngoại khóa để thử thách bản thân, khám phá tiềm năng.
* Thực hiện “phản tư” thường xuyên: đây là hành động suy ngẫm, xem xét lại những việc đã trải qua, từ đó đúc kết những bài học cho mình.
* Thảo luận, trao đổi với bạn bè, cha mẹ, thầy cô: điều này giúp bạn có được góc nhìn đã chiều và khám phá những khía cạnh chính bạn không tự nhận thấy được.
* Đọc sách: tự trang bị vốn kiến thức đa dạng qua việc đọc sách sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc, đa chiều về sự vật và giúp bạn soi chiếu với bản thân.
* Rèn luyện kỹ năng: các kỹ năng như thu thập và phân tích thông tin, phản tư, tư duy phản biện, …. rất cần thiết trong việc giúp bạn chắt lọc thông tin hữu ích và có nhận định chính xác.

Giá trị và lợi ích của các bài trắc nghiệm bản thân

Các công cụ đánh giá /trắc nghiệm được thiết kế để giúp các nhân nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, giá trị, sở thích và đặc điểm tính cách tổng thể của họ bằng cách đưa ra những đúc kết và khuyến nghị cụ thể dựa trên thông tin cá nhân đó cung cấp thông qua việc trả lời trắc nghiệm. Đây là thông tin căn bản cần có để bạn đưa ra các lựa chọn nghề nghiệp và lên lộ trình phát triển nghề nghiệp khả thi cho bản thân. Lưu ý là độ chính xác của kết quả phụ thuộc vào độ chính xác của các câu trả lời.

Có phải khi bạn đưa ra quyết định nghề nghiệp thì công việc tìm hiểu bản thân xem như hoàn tất?

Câu trả lời là KHÔNG. Mặc dù quyết định nghề nghiệp là một cột mốc quan trọng nhưng việc khám phá bản thân là một quá trình liên tục vượt ra ngoài một quyết định công việc riêng lẻ. Khi bạn tham gia vào các trải nghiệm cuộc sống khác nhau, bạn có thể khám phá ra những điều mới về hoài bão, khả năng, sở thích và lĩnh vực cần cải thiện của mình. Sự lựa chọn về sự nghiệp ban đầu có thể không còn phù hợp. Việc nhận ra những thay đổi của bản thân để thích ứng và có những điều chỉnh kịp thời là một trong những kỹ năng quản lý nghề nghiệp quan trọng.

Hiểu về “thế giới nghề nghiệp”

Hiện nay có bao nhiêu nghề nghiệp?

Rất khó để con số nghề nghiệp chính xác. Tuy nhiên để có hình dung tổng quan về thế giới nghề nghiệp ta có thể tham khảo Bản đồ thế giới nghề nghiệp (được phát triển dựa trên lý thuyết của John Holland). Theo đó, các công việc có thể phân được vào 26 nhóm ngành nghề:

1. Dịch vụ liên quan đến nhân sự;

2. Marketing & Bán hàng;

3. Quản lý;

4. Quy định & Bảo vệ;

5. Truyền thông & Hồ sơ;

6. Giao dịch tài chính;

7. Phân phối & Điều phối;

8. Vận hành, Vận chuyển & Liên quan;

9. Nông nghiệp, Lâm nghiệp & Liên quan;

10. Khoa học Máy tính & Công nghệ Thông tin;

11. Xây dựng & Bảo trì;

12. Thủ công & Liên quan;

13. Chế tạo & Quy trình sản xuất;

14. Cơ khí & Điện;

15. Kỹ thuật & Công nghệ;

16. Khoa học tự nhiên & Công nghệ;

17. Công nghệ y học;

18. Chẩn đoán Y khoa & Điều trị;

19. Khoa học Xã hội;

20. Nghệ thuật Ứng dụng (Thị giác);

21. Nghệ thuật Sáng tạo & Trình diễn;

22. Nghệ thuật Ứng dụng (Viết & Nói);

23. Chăm sóc sức khỏe;

24. Giáo dục;

25. Dịch vụ cộng đồng;

26. Dịch vụ cá nhân.

Hiểu về nghề có lợi ích gì cho việc lựa chọn nghề phù hợp?

Hiểu về nghề nghiệp giúp bạn đưa ra những lựa chọn phù hợp với thế mạnh, sở thích và giá trị bản thân. Ngoài ra, việc đưa ra các mục tiêu nghề nghiệp và kế hoạch phát triển cá nhân dưa trên sự đánh giá thị trường lao động và các cơ hội phát triển tiềm năng sẽ phù hợp với thực tế và có tính khả thi cao.

Tìm hiểu thông tin về nghề nghiệp là tìm hiểu cái gì?

Để có cái nhìn tổng quan về một ngành nghề, dưới đây là các thông tin cơ bản cần thu thập:

(1) Các nhiệm vụ cụ thể.

(2) Môi trường làm việc.

(3) Yêu cầu về kỹ năng & trình độ học vấn.

(4) Thu nhập và các cơ hội nghề nghiệp.

(5) Xu hướng phát triển.

Tìm kiếm thông tin về nghề ở đâu?

Bạn có thể tìm kiếm thông tin về nghề từ các nguồn sau:

* Qua trao đổi với những người đã và đang làm các công việc này.

* Qua các bản mô tả công việc trên các trang web tuyển dụng.

* Qua trải nghiệm thực tế của bản thân

* Qua thông tin từ các trang web của chính phủ hay của các công ty phát triển nhân lực có uy tín.

Các hình thức trải nghiệm thực tế nghề nghiệp?

Các hình thức trải nghiệm thực tế nghề nghiệp bao gồm thực tập sinh, hoạt động tình nguyện, các câu lạc bộ ngoại khóa, các cuộc thi – dự án liên quan đến ngành, trải nghiệm thực tế ảo VR, làm việc bán thời gian, …

Thế nào là nghề "hot"?

Xác định nghề “hot” trên thị trường lao động thường dựa trên các yếu tố sau: nhu cầu việc làm cao, dự kiến tăng trưởng nhanh và bền vững tại địa phương và trên toàn cầu, phù hợp với xu hướng phát triển, phúc lợi hấp dẫn, yêu cầu các kỹ năng mới chưa có nhiều lao động đáp ứng được.

Chọn ngành chọn trường sau bậc THPT

Các yếu tố cần lưu ý khi đưa ra quyết định chọn ngành?

Khi đưa ra quyết định chọn ngành học, bạn cần lưu ý các yếu tố sau:

* Xác định lĩnh vực bạn muốn làm và chọn ngành học giúp bạn có thể làm việc trong lĩnh vực đó.

* Chọn ngành học phù hợp với đặc điểm bản thân nhu cầu của thị trường lao động, Việc thiếu một trong hai sẽ gây nhiều thách thức khi bạn thực sự bước chân vào thị trường lao động.

* Khi chưa đủ thông tin để đưa ra quyết định phù hợp, có thể chọn ngành gần nhất với khả năng của bạn và có nhu cầu công việc cao. Lưu ý vẫn tiếp tục tìm hiểu thông tin cần thiết để đưa ra quyết định điều chỉnh trong thời gian sớm nhất.

* KHÔNG chọn ngành học khi chưa hình dung cụ thể bạn sẽ làm được công việc gì sau khi ra trường.

* KHÔNG chọn ngành học chỉ vì ngành “hot” mà bỏ qua các yếu tố còn lại.

Các yếu tố cần lưu ý khi đưa ra quyết định chọn trường?

Khi đưa ra quyết định chọn trường, bạn cần xem xét các yếu tố sau:
* Chương trình đào tạo của ngành bạn quan tâm: môn học, cách đánh giá, cơ hội thực tập,..
* Chất lượng đào tạo của trường: thể hiện qua đội ngũ giảng viên, phương pháp đào tạo và đánh giá…
* Cơ sở vật chất và môi trường học tập.
* Các hoạt động ngoại khóa và phát triển cho sinh viên.
* Cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.
* Các chính sách hỗ trợ sinh viên.

Căn cứ vào đâu để chọn ngành học phù hợp với bản thân?

Các yếu tố cần xem xét để đưa ra quyết định chọn ngành học bao gồm:
* Sở thích và khả năng nghề nghiệp.
* Năng lực học tập.
* Giá trị và niềm tin mà bạn cho là quan trọng.
* Nguồn lực cá nhân và gia đình.
* Kỳ vọng – mục tiêu nghề nghiệp.
* Đặc điểm công việc và môi trường làm việc.
* Nhu cầu công việc trong thị trường lao động.
* Khả năng phát triển của ngành/lĩnh vực trong tương lai.

Làm thế nào để có thông tin về các học bổng và nguồn hỗ trợ tài chính cho sinh viên?

Sau đây là một số cách để bạn có được thông tin về các học bổng và các loại hỗ trợ tài chính cho sinh viên:
* Thường xuyên theo dõi thông tin trên Bản thông tin và trang Web chính thức của trường.
* Liên hệ với bộ phận tuyển sinh hoặc công tác sinh viên để được hướng dẫn.
* Tham gia các diễn đàn sinh viên của trường để được cập nhật thông tin từ các sinh viên khác.
* Tham gia các hoạt động hướng nghiệp, hội chợ việc làm, hoặc các sự kiện tương tự.

Sinh viên mới tốt nghiệp làm công việc không liên quan đến chuyên ngành đã học sẽ gặp các thách thức gì?

Sinh viên mới tốt nghiệp làm một công việc không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành được đào tạo có thể gặp các thách thức sau.
* Khó xin việc vì phải cạnh tranh với những ứng viên có trình độ phù hợp hơn, cũng như phải thuyết phục nhà tuyển dụng về lý do đổi ngành của họ.
* Thiếu các kỹ năng chuyên môn nên có thể phải bắt đầu ở vị trí thấp và mức độ thăng tiến chậm.
* Thiếu sự kêt nối với mạng lưới trong ngành do các kết nối trong thời gian học đại học có thể không phù hợp.
* Đối mặt với sự nghi ngại về mức độ cam kết trong công việc và hiệu suất công việc.

Tìm việc

Nên tập trung toàn bộ vào việc học hay phân bổ thời gian để vừa học vừa làm?

Không có một câu trả lời phù hợp cho tất cả vì từng sinh viên có nhu cầu và kỳ vọng phát triển khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung có được trải nghiệm thực tiễn bên cạnh kiến thức học thuật là điểm mạnh khi sinh viên chính thức bước vào thị trường lao động. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi đưa ra quyết định:
* Yêu cầu của ngành học: một số ngành xem trọng việc sinh viên tham gia công việc thực tế trong khi một số ngành khác đòi hỏi cao về mức độ học thuật.
* Mục tiêu học tập/nghề nghiệp: xác định mục tiêu rõ ràng sẽ giúp sinh viên vạch ra lộ trình nghề nghiệp và qua đó biết được các bước chuẩn bị cần thiết.
* Tình hình tài chính cá nhân: mức độ và thời gian sinh viên dành cho việc đi làm có thể bị chi phối đáng kể bởi tình hình tài chính.
* Kỹ năng quản lý công việc: sinh viên cần nhận thức được trình độ kỹ năng quản lý thời gian/ quản lý công việc của mình để chọn mức độ công việc phù hợp mà không ảnh hưởng kết quả học tập.

Các loại hình công việc nào phù hợp với sinh viên?

Dưới đây là một số gợi ý loại hình công việc giúp sinh viên tích lũy kinh nghiệm thực tế và trau dồi các kỹ năng liên quan đến ngành học:
* Thực tập sinh: cơ hội để sinh viên có được kinh nghiệm thực hành liên quan trực tiếp đến chuyên ngành của họ.
* Công việc tình nguyện: cơ hội để mở rộng mạng lưới nghề nghiệp, trải nghiệm các dạng công việc khác nhau.
* Trợ lý giảng viên/ các hoạt động nghiên cứu: cơ hội để tìm hiểu sâu về các nội dung bạn quan tâm.
* Dạy kèm (Tutoring) cho sinh viên cùng ngành: cơ hội để củng cố kiến thức thông qua việc giảng dạy lại cho một người khác.
* Các cuộc thi: cơ hội để đo lường mức độ kỹ năng và kiến thức, mở rộng mạng lưới nghề nghiệp và xây dựng thương hiệu cá nhân.
* Công việc bán thời gian hoặc công việc linh hoạt (Gig work) : cơ hội trải nghiệm môi trường làm việc thực tế và trau dồi kỹ năng cần có.

Căn cứ vào đâu để chọn công việc phù hợp với việc học?

Tìm việc hiệu quả bao gồm tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn, tạo CV và thư xin việc phù hợp, tham gia sự kiện liên quan đến việc làm, và tận dụng mạng xã hội.

Thế nào là người tìm việc tích cực?

Người tìm việc tích cực là người tìm kiếm cơ hội việc làm qua nhiều kênh khác nhau như tìm kiếm thông tin trên mạng xã hội (facebook, linkedIn,..), tham dự hội chợ việc làm, tìm kiếm cơ hội đào tạo của nhà tuyển dụng tiềm năng, tham gia các sự kiện trong ngành để mở rộng mối quan hệ, chủ động kết nối với bạn bè, đồng nghiệp trước đây để được cập nhật thông tin về nhu cầu tuyển dụng. Nói cách khác, người tìm việc tích cực sẽ tìm cách thể hiện trước các nhà tuyển dụng tiềm năng và tạo ra cơ hội cho họ hơn là chờ đợi chúng xuất hiện.

Trong khi đó người tìm việc thụ động thường chỉ tìm kiếm công việc thông qua các trang tuyển dụng hoặc chờ ai đó thông báo cho biết về cơ hội việc làm.

Các kỹ năng cần có để tìm việc hiệu quả?

Để tìm được công việc phù hợp với nguyện vọng và khả năng của mình, bạn cần có các kỹ năng cơ bản sau:
* Xác định mục tiêu nghề nghiệp.
* Chuẩn bị hồ sơ xin việc bao gồm CV, thư ứng tuyển (cover letter), hồ sơ trên mạng xã hội (medial profile) và đoạn giới thiệu bản thân (career pitch).
* Tìm kiếm cơ hội việc làm trên các nền tảng tuyển dụng.
* Thể hiện bản thân trong buổi phỏng vấn.

Giá trị của "bằng cấp" trong con đường sự nghiệp?

Bằng cấp vốn được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để xác định một ứng cử viên có đáp ứng yêu cầu về kiến thức và kỹ năng cho một công việc hay không. Tuy nhiên, tư duy này đang dần thay đổi. Phương thức đánh giá ứng viên dựa trên mức độ kỹ năng và khả năng của ứng viên đang được nhiều nhà tuyển dụng áp dụng.
Cần lưu ý rằng phương thức mới này không phủ nhận giá trị của bằng cấp mà mang tính bổ sung để tạo cơ hội cho những ứng cử viên có năng lực thực sự nhưng không đáp ứng yêu cầu về bằng cấp. Nếu chỉ tập trung hẳn cho bằng cấp hoặc cho kỹ năng sẽ giảm khả năng cạnh tranh của bạn. Trang bị cho mình một vốn kiến thức chuyên môn sâu sắc và các kỹ năng làm việc thực tế, bạn sẽ là ứng cử viên sáng chói trên thị trường lao động.