Trước hết, chúc mừng các bạn tân sinh viên đã tham gia vào môi trường đại học. Niềm hạnh phúc và tự hào đang tràn đầy trong các bạn là hoàn toàn xứng đáng bởi đó là thành quả của sự cố gắng không ngừng nghỉ trong suốt 12 năm học vừa qua. 

Để niềm hạnh phúc và tự hào đó vẫn tiếp tục trong hành trình đại học chúng ta hãy chuẩn bị sẵn sàng cho năm học được xem là năm nền tảng này. Việc chuyển đổi từ môi trường phổ thông sang môi trường đại học có thể có nhiều thách thức và nhiều sự thay đổi, đòi hỏi các tân sinh viên phải nhanh chóng thích nghi. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của năm I, chặng đầu tiên trong hành trình đại học, nhé.  

1. Môi trường học tập khác biệt. 

Đại học và phổ thông là hai môi trường rất khác biệt. Khi bước chân vào đại học, Thách thức đầu tiên mà tân sinh viên phải đối mặt sẽ là một lịch học không cố định, và bạn phải suy nghĩ để chọn lọc môn học ưu tiên, tự sắp xếp thời gian biểu phù hợp. 

Ở năm nền tảng này bạn có thể gặp trắc trở đối với lượng bài tập, kiến thức lớn hơn nhưng đòi hỏi thời gian tiếp thu nhanh. Kiến thức ở bậc đại học, đa phần là kiến thức hàn lâm, với những từ ngữ xa lạ và những quyển giáo trình dày cộm đòi hỏi mức độ đọc hiểu cao. Với một số bạn, việc chủ động tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp, hoặc tranh luận với giảng viên có thể là một thách thức không nhỏ.

Có một điều chắc chắn là khi tham gia môi trường đại học bạn phải làm việc nhóm nhiều hơn cùng với áp lực học tập lớn hơn. Có thể bạn đã làm quen teamwork từ phổ thông nhưng ở đại học mức độ làm việc nhóm vẫn có thể làm bạn choáng ngợp. Ngoài ra, yêu cầu phải nhanh chóng tạo nhóm và làm việc cùng nhau với những người hoàn toàn xa lạ, cũng dễ gây căng thẳng khi bạn vừa phải tìm cách làm quen với nhóm vừa phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thế nên, ở năm chuyển đổi này mỗi tân sinh viên cần tìm ra Kim chỉ nam học tập cho mình để vượt qua các rào cản trên. 

2. Tự quản lý tài chính. 

Trước đây, bạn không phải quan tâm nhiều đến vấn đề chi tiêu do đã có ba mẹ quản lý. Nhưng khi lên bậc đại học, đặc biệt đối với các sinh viên phải sống xa nhà, bạn phải tự cân bằng rất nhiều chi phí cho nhu cầu cá nhân, học tập hay sinh hoạt, chưa kể những chi phí phát sinh khác như đi chơi với bạn bè hay quà cho bạn thân.

Tự quản lý tài chính là một điều quá mới. Sự bỡ ngỡ này dễ dẫn đến rắc rối tiền bạc do chi tiêu không cân đối. Có một vài trường hợp do gặp áp lực từ môi trường xung quanh khiến bạn chi tiêu cho những vật phẩm không cần thiết để duy trì hình tượng cá nhân. “Nên mua gì?” “Mình có thực sự cần thiết món đồ này hay không”, “Làm thế nào để cân bằng chi tiêu cho cả tháng?” – những câu hỏi tương tự dường như trở nên quá sức tại thời gian đầu đối với những bạn mới bắt đầu tự lập. 

Việc quản lý tài chính không tốt có thể gây căng thẳng và ảnh hưởng đến kết quả học tập, tinh thần và cả sức khỏe.

3. Tự chăm sóc bản thân. 

Tự chăm sóc bản thân bao gồm cả sức khỏe thể chất và tinh thần là một trong những khó khăn lớn đối với tân sinh viên khi họ bước vào cuộc hành trình đại học. 

Khi bạn còn ở nhà, luôn có người thường xuyên quan tâm đến sức khỏe của bạn, nhưng khi bạn  xa nhà, bạn phải tự mình lo các bữa ăn, cân bằng thời gian học tập và ngủ nghỉ. Chỉ mỗi chuyện đảm bảo chất lượng bữa ăn, đặc biệt với các bạn có nguồn tài chính hạn hẹp, là điều vô cùng khó khăn. Tương tự, Mỗi lần ốm đau các bạn sẽ không còn được chăm sóc kĩ càng từng li từng tí như khi ở nhà mà đôi khi còn phải tự đi khám và nhắc nhở bản thân uống thuốc. 

Đã có rất nhiều sinh viên kể lại về việc phải đối mặt với áp lực học tập, cảm xúc không ổn định, và thậm chí cả cô đơn trong suốt quá trình học đại học. Việc không biết cách xây dựng mối quan hệ xã hội và không có sự hỗ trợ kịp thời từ gia đình hay nhà trường có thể gây ra tâm lý bất ổn, dẫn đến sự giảm sút về học tập và chất lượng cuộc sống. Thế nên tạo lập sức đề kháng cho sức khỏe tinh thần của các bạn từ sớm là cực kỳ quan trọng đối với thành công học tập của bạn

4. Vòng tròn quan hệ xã hội mới. 

Tại môi trường đại học bạn không chỉ tiếp xúc với các bạn mới tại trường lớp mà còn với người mới tại chỗ ở (đối với các bạn ở ghép, ở ký túc xá), các anh chị khóa trên, giảng viên. Những người mới bạn gặp có thể đến từ khắp nơi trên cả nước với những lối sống, quan điểm và văn hóa rất khác với bạn, điều này sẽ tạo sự khó khăn ban đầu khi tiếp cận hay làm quen. 

Sự thay đổi trong vòng tròn quan hệ xã hội có thể là một trở ngại không nhỏ. Bài toán giữa việc làm sao để duy trì mối quan hệ cũ nhưng cách xa địa lý và tạo lập mối quan hệ mới là điểm thách thức cho nhiều bạn  tân sinh viên.

Bên cạnh sự tự do, tự chủ mà đại học đem lại thì những thay đổi về môi trường sống và học tập là một phần tất yếu trong năm nền tảng đại học này của các Tân sinh viên. Năm đầu là một thời kỳ chuyển đổi quan trọng, một năm nền tảng để xây dựng những thói quen và hành vi tạo đà phát triển cho những năm kế tiếp. Thử thách không phải là tất cả, chỉ cần bạn chủ động, kiên trì, cố gắng thích nghi và từ từ phá bỏ rào cản trên thì có thể gặt hái những trái ngọt trong suốt quá trình đại học.