Chào các tân sinh viên,

Đại học là một cánh cửa lớn với đồng thời những cơ hội và thách thức được mở ra. Chắc chắn cảm xúc háo hức, lo lắng, và đôi chút bối rối đang tràn ngập chúng ta. Đúng vậy, hành trình đáng nhớ đã bắt đầu. Các bạn đã bước chân vào một thế giới mới với biển kiến thức và những cơ hội học tập đa dạng. 

Tuy nhiên đã có nhiều trường hợp đáng tiếc vì không thể thích nghi mà có nhiều sinh viên bị mất động lực học tập và không thể hoàn thành hành trình đại học của mình. Thế nên, để tránh trường hợp đáng tiếc trên xảy ra và tạo lập nền tảng cho mình ngay từ năm đầu, các tân sinh viên nên mau chóng thích nghi với chương trình học mới. Trong quá trình học tập, phương pháp học tập chính là “bản đồ” của chuyến du hành này. 

1. Tinh thần học tập Đại học

Tinh thần chính là nền tảng cho quá trình học tập. Tạo lập cho mình một tinh thần đúng đắn sẽ giúp các bạn đi nhanh hơn rất nhiều. Tinh thần đại học bao hàm cả việc tích lũy kiến thức, sự thay đổi và tiến bộ. Điển hình đó là tinh thần biến mình trở thành các đồng nghiệp “trẻ” của giảng viên, tập tìm hiểu kiến thức một cách sâu rộng nhất. 

Bởi lẽ, ở phổ thông, bạn thường được hướng dẫn một cách cụ thể và có lịch trình học tập cố định. Tuy nhiên, khi bước vào đại học, bạn sẽ phải tự quản lý thời gian và học tập độc lập. Chuẩn bị tinh thần cho việc học cách tự quản lý bản thân và tăng cường khả năng tập trung là điều mà tân sinh viên nên hướng đến. 

Kim chỉ nam của tinh thần này nằm ở chỗ bạn phải có động cơ và mục tiêu học tập cụ thể. Có nhiều mục đích cho việc học, ví dụ như gia tăng sự hiểu biết cho bản thân, đóng góp cho sự phát triển của  thế giới, giúp chúng ta thích ứng với xã hội hoặc khẳng định bản thân và để kiếm một công việc thích hợp, v.v… Hãy xác định rõ mục đích học tập của mình nhé. 

Quan trọng nhất, tinh thần chính yếu mà các bạn sinh viên đại học nào cũng nên có đó là tinh thần tự học. Người có thể giúp bạn trở nên giỏi nhất chính là bạn. Tự học là khả năng tự thúc đẩy mình, tìm hiểu và khám phá kiến thức mới mà không cần sự hướng dẫn từ bên ngoài. Tự học chính là khả năng tự làm việc với chính mình nhiều nhất. Điều mà hầu hết các sinh viên đang được rèn luyện trong môi trường đại học. 

2. Học như thế nào. 

Đầu tiên, hãy đảm bảo bạn hiểu rõ đề cương môn học và yêu cầu cụ thể mà bạn cần đạt được. Đọc sách giáo trình và tài liệu liên quan để xây dựng nền tảng kiến thức. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy thông tin này ở trang web, nền tảng online của nhà trường hoặc của  khoa. Đọc kỹ giáo trình trước khi đến lớp là chìa khóa cho một buổi học hiệu quả nhé. 

Thứ hai, để việc học trở nên hiệu quả nhất bạn  cần lên kế hoạch học tập, để cân bằng thời gian học tập và các nhu cầu cá nhân khác. Một số gợi ý cho bạn lập kế hoạch học tập hiệu quả như: 

      • Ưu tiên sắp xếp thứ tự quan trọng của các việc phải làm. 
      • Sử dụng công cụ quản lý thời gian như Google calendar, Google sheet, Notion hay Trello,… 
      • Không nên để lịch học quá dày, mà cần có những khoảng thời gian thư giãn, tái tạo năng lượng
      • Tạo danh sách việc cần làm và có thứ tự ưu tiên 

Bạn có thể tham khảo kế hoạch này

Ngoài ra, dưới đây là một số phương pháp học tập hiệu quả tại đại học mà bạn có thể tham khảo như:

Kỹ thuật ghi chú Cornell: Phương pháp này tập trung vào việc chia trang ghi chép thành ba phần: một phần dành cho ghi chép chính, một phần dành cho tóm tắt, và một phần dành cho ý kiến hoặc câu hỏi.

Phương pháp Feynman (Feynman Technique): bạn giảng giải một khái niệm hoặc ý tưởng cho chính mình. Điều này giúp bạn kiểm tra kiến thức của mình và làm rõ những điểm mạnh và yếu.

Phương pháp Pomodoro: Chia thời gian học thành các khung thời gian ngắn (thường là 25 phút) và sau đó nghỉ ngắn (5 phút). Sau khi hoàn thành một số khung thời gian, bạn có một khoảng nghỉ dài hơn. Phương pháp này giúp tập trung và tăng hiệu suất học tập.

Sử dụng mind map (sơ đồ tư duy): Tạo sơ đồ tư duy bằng cách kết nối các ý và thông tin liên quan với nhau. 

Phương pháp học bảo toàn năng lượng P.o.w.e.r (P: prepare): Chuẩn bị. O: organize – Tổ chức thông tin một cách có cấu trúc. W: work – Tập trung vào việc học mà không bị xao lấn. E: evaluate – Tự đánh giá và kiểm tra kiến thức. R: reevaluate – Xem xét lại những gì bạn đã học.

Học qua việc giảng dạy ngược (Teach Back): Sau khi bạn học một chủ đề, hãy giảng lại nó cho bạn bè hoặc người khác. Điều này giúp củng cố kiến thức của bạn và tạo cơ hội cho trao đổi ý kiến.

3. Bí quyết nằm ở đâu

Để đạt được thành công trong học tập, một trong những bí quyết quan trọng là khai thác tối đa tài liệu và tài nguyên học tập đa dạng tại trường Đại học. 

Đại học không chỉ có giảng đường. Đại học còn có rất nhiều loại phòng chức năng, phòng thí nghiệm, khu tự học, khu thể thao và đôi khi cả những cơ sở thực tập tại trường. Ngoài ra, hầu hết thư viện tại các trường đại học đều được trang bị hiện đại  với  rất nhiều sách giáo trình, tài liệu tham khảo, và tạp chí chuyên ngành phù hợp với chương trình đào tạo mà bạn cần đến. Hãy tìm hiểu và học cách vận dụng tối đa cơ sở vật chất và những tài nguyên cả trực tiếp và trực tuyến của trường mình các bạn tân sinh viên nhé. Bạn sẽ gặt hái được những thành quả vượt xa sự mong đợi đấy. 

Internet là một nguồn thông tin không giới hạn. Bạn có thể tham khảo một số trang web để tìm tài liệu nghiên cứu chuyên sâu cho sinh viên đại học như Scholar, Research gate, Academic, Springer, Vista.gov,…

Nơi các sinh viên chủ yếu tìm tài liệu

Nơi các sinh viên chủ yếu tìm tài liệu

4. Cùng nhau tỏa sáng. 

Học tập một mình sẽ không hiệu quả ở bậc đại học vì có rất nhiều yêu cầu học tập đòi hỏi bạn phải làm cùng nhau và học hỏi lẫn nhau. Vì vậy, cho dù làm quen và kết bạn mới  có thể không phải là thế mạnh của bạn, hãy cố gắng vượt qua trở ngại này. 

Để hành trình đại học của bạn thêm phần rực rỡ, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số chương trình trao đổi nước ngoài dành cho sinh viên, các câu lạc bộ trong trường, chương trình tình nguyện hoặc các chương trình đào tạo leader từ các tập đoàn lớn. Đây sẽ là những cơ hội quý giúp bạn học hỏi nhiều kiến thức thực tế lắm đó nhé. 

Có nhiều phương pháp và phong cách học tập khác nhau mà mỗi người cảm thấy hợp nhất với mình. Để tìm ra đâu là cách học đúng nhất cho mình bạn hãy thử nghiệm, điều chỉnh chọn lọc từ từ. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua mọi thử thách và đạt được những thành công mong muốn trong hành trình đại học của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp bản thân gặp quá nhiều khó khăn khi thích nghi với các thay đổi nêu trên, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn để có được sự đồng hành  và hỗ trợ chuyên nghiệp cần thiết giúp bạn tự tin đi tới trong năm học nền tảng này.