Thôi nôi. Mẹ bày một mâm đồ vật cho bé chọn. Bé sắp nhón lấy cây viết. Cả nhà la lên vậy là nó lớn lên làm cô giáo. Bé chuyển qua cái ống nghe bằng nhựa, cả nhà lại nháo nhào vậy là chuyển qua bác sĩ rồi. Cuối cùng bé chộp cái gương trang điểm cười lớn.Cả nhà ồ lên có thể tương lai bé nó sẽ trở thành người mẫu?
Cái cảnh hơi hài hài này có lẽ diễn ra tương tự trong nhiều gia đình Việt Nam. Khi con lên 1 tuổi, ba mẹ đã bắt đầu tò mò về nghề nghiệp của con trong tương lai. Khi con lên 16 tuổi ba mẹ định hướng chuyện học ban gì để vô ngành gì. Rồi khi con 22 tuổi (chính thức đi làm) thì những ước mơ dần trở thành hiện thực. Hoặc đôi khi là không.
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc đời, thông qua nghi thức thôi nôi truyền thống, chúng ta đã được khuyến khích “định hình” tương lai nghề nghiệp của mình. Khi bước vào tuổi trưởng thành, những câu hỏi như “Nên học ngành nào để sau này dễ có việc?” hay “Học ngành nào để có công việc mong muốn?” trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, trong quá trình đưa ra các quyết định quan trọng về ngành học và trường học, học sinh lớp 12 cùng với phụ huynh thường bỏ qua một câu hỏi cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng:
Bạn mong muốn làm công việc như thế nào?
Trong rất nhiều trường hợp, do kiến thức về các ngành nghề, về thế giới công việc hạn hẹp, đặc biệt là đối với những bạn học sinh ở vùng sâu vùng xa nơi kinh tế chưa đủ phát triển để cho phép nhiều dạng công việc xuất hiện, việc hình dung ra một công việc mong muốn là điều không dễ dàng cho dù đã hiểu bản thân thích gì, có khả năng và tố chất gì. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của công nghệ và mạng internet, có rất nhiều phương thức để phụ huynh và các em học sinh có thể khám phá thế giới nghề nghiệp, tìm kiếm những chân trời mới, những cơ hội mới. Hãy bắt đầu bằng những cách dưới đây:
-
- Quan sát những người xung quanh – họ làm gì công việc hàng ngày của họ là gì, công việc đó đem lại cho họ cuộc sống ra sao.
- Nghe / đọc thông tin liên quan đến thị trường lao động qua báo chí, qua các trang thông tin tuyển dụng, các trang web của những hiệp hội ngành nghề, và các tổ chức hỗ trợ nghề nghiệp cả trong và ngoài nước – ngành nghề nào đang có xu hướng phát triển, ngành nghề nào có xu hướng giảm, ngành nghề nào địa phương nào đó đang rất cần hoặc đang dư thừa. Một số trang web hữu ích như : https://www.careerplanner.com/ListOfCareers.cfm (cho bạn danh sách 12.000 nghề), hay https://www.4cornerresources.com/job-descriptions/ (nghề kèm với mức lương tham khảo). Với từ khóa Job List trên Google bạn sẽ có danh sách rất nhiều nghề khác nhau
- Tham khảo các trang web chuyên hỗ trợ định hướng nghề nghiệp. Rât nhiều trang có cung cấp thông tin cụ thể về các ngành nghề phổ biến.
- Tham khảo thông tin đầu ra sinh viên của từng ngành ở các trang web của trường đại học, cao đẳng.
- Tham gia các sự kiện tuyển dụng cũng là cách hiệu quả để tìm hiểu về các nghề thường xuyên được tuyển dụng tại nơi bạn muốn sinh sống và làm việc trong tương lai.
Lưu ý: Khi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp, bạn không chỉ dừng lại ở tên công việc, nhu cầu lao động và khả năng phát triển. Khi đã lọc danh sách nghề/ công việc quan tâm, hãy cố gắng vẽ ra chân dung nghề càng cụ thể càng tốt với các thông tin bao gồm về mô tả cụ thể các nhiệm vụ chính, điều kiện làm việc, mức lương trung bình, yêu cầu về kỹ năng và kiến thức của người làm công việc này.
Dữ liệu ngành nghề của trang web O*Net OnLine của chính phủ Mỹ mô tả 16 nhóm ngành nghề với 1016 nghề. Còn trang web Careerplanner.com liệt kê 1388 nghề chính (có thể chia nhỏ ra đến 12.000 nghề cụ thể). Nói cách khác, thế giới nghề nghiệp thời đại số là một đại dương bao la với rất vô vàng công việc mới đang phát sinh hàng ngày. Sẽ là một sự thiệt thòi không nhỏ nếu các em học sinh (và phụ huynh) giới hạn lựa chọn nghề nghiệp trong một số ngành, công việc quen thuộc và có quá nhiều cạnh tranh. Hãy dành thời gian tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp để chọn ra được công việc phù hợp cho bản thân và nhu cầu xã hội. Chỉ khi đó, câu hỏi học ngành nào để trang bị đủ và đúng kỹ năng kiến thức để bạn làm được công việc mong muốn mới có thể có câu trả lời thấu đáo.
Hy vọng rằng chia sẻ trên có thể giúp bạn tìm kiếm những thông tin hữu ích bổ sung cho quá trình Hoạch định nghề nghiệp hay Chọn ngành chọn nghề cho tương lai. Hãy theo dõi phần “Chia sẻ và tin tức” trên trang web Hươngnghiepsif, hoặc Fanpage Huongnghiepsif để được cập nhật thông tin về thế giới nghề nghiệp và những phương cách giúp bạn hoạch định ra lộ trình học tập và làm việc tốt nhất trong nguồn lực của bạn.