Hãy tưởng tượng công việc của bạn là một chiếc áo. Áo quá chật sẽ khiến bạn không thoải mái, hạn chế cử động. Áo quá rộng sẽ trở thành vướng víu, không làm nổi bật các đặc điểm của bạn. Để có thể chọn được một cái áo vừa vặn, bạn cần biết số đo cơ thể, màu sắc, chất liệu bạn yêu thích. Trong công việc cũng thế, để xác định được một nghề nghiệp phù hợp với mình, bạn nhất thiết phải hiểu rõ các đặc điểm bản thân. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu về tầm quan trọng của việc tìm hiểu bản thân và làm thế nào để có kết quả tốt nhất. 

Tại sao hướng nghiệp là phải “hiểu rõ bản thân” 

“Tự khám phá bản thân”, “tự nhận thức bản thân”, “tự tìm hiểu bản thân” – các khái niệm này tuy hơi khác nhau về mức độ nhưng đều nói về quá trình một cá nhân dành thời gian và tâm sức xác định các đặc điểm riêng biệt của bản thân để đưa ra các quyết định tương thích với mình. 

Tìm hiểu bản thân, khi liên quan đến việc định hướng và phát triển nghề nghiệp, bao gồm các khía cạnh như sở thích, khả năng, kỹ năng, niềm tin và giá trị nghề nghiệp. Một khi có thể vẽ được một bức tranh tổng thể về bản thân, bạn có thể dựa vào đó để cân nhắc, đưa ra các quyết định về nghề nghiệp vừa sức, phù hợp với khả năng, tạo cho bạn sự hứng thú, và nhờ đó bạn có động cơ và quyết tâm hoàn thành công việc. Đó là tiền đề cho một sự nghiệp thành công.  

“Tìm hiểu bản thân” để định hướng nghề nghiệp là tìm hiểu những gì? 

Sở thích nghề nghiệp

Sở thích đại diện cho những gì bạn muốn tìm hiểu hoặc làm/tham gia vào. Hãy suy nghĩ về bất cứ điều gì bạn không ngại dành thời gian cho nó. Xác định được sở thích có thể giúp gợi ý về các loại nghề nghiệp và công việc phù hợp với bạn. Các câu hỏi dưới đây có thể giúp bạn tìm ra điều gì bạn thật sự quan tâm:

  • Bạn bị cuốn hút bởi hoạt động nào? 
  • Vì sao bạn lại thích hoạt động đó?
  • Bạn sẵn sàng dành thời gian cho những công việc nào? 
  • Môn học nào bạn thấy hứng thú? 
  • Cách giải trí ưa thích nhất của bạn là gì?

Khả năng

Khả năng là những điều bạn có thể làm hoặc những tố chất mà bạn sở hữu một cách tự nhiên giúp bạn trở nên khác biệt và cho phép bạn làm những việc nhất định mà không phải cá nhân nào cũng có thể làm được. Mặc dù khả năng là bẩm sinh, một số khả năng cũng có thể được rèn luyện theo thời gian. Ví dụ điển hình của khả năng như tài năng về nghệ thuật, vẽ tranh, sáng tác âm nhạc, v.v…

Cách tốt nhất để phát hiện và rèn luyện các khả năng/kỹ năng nổi trội của mình là thông qua hoạt động thực tế. Ví dụ một số bạn nhận ra thế mạnh của mình khi hỗ trợ công việc của gia đình như nấu ăn, sửa chữa máy móc, thiết kế v.v. Rất nhiều bạn trẻ khác nhận ra và phát triển kỹ năng của mình không chỉ qua hoạt động học tập mà còn trong hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, tình nguyện viên, các công việc thời vụ,v.v.. 

Hãy nhớ rằng bạn sẽ dễ có được sự hào hứng và đạt thành tựu trong những công việc mà bạn có thể vận hành hiệu quả khả năng vượt trội của bạn hơn là những việc không phải thế mạnh của bạn. Vì vậy hãy thời gian và công sức khám phá ra được tố chất của bản thân và rèn luyện để phát triển chúng thành kỹ năng nổi trội vì đó là nền tảng để bạn chọn được những cơ hội nghề nghiệp giúp bạn thăng hoa. 

Tính cách

Tính cách là sự kết hợp của những phẩm chất hình thành nhân cách khác biệt của bạn; là những đặc điểm khiến bạn là duy nhất, không hòa lẫn với bất kỳ ai. Tính cách chi phối đến cách bạn cảm nhận, trải nghiệm và tương tác với thế giới.

Hãy tự cảm nhận cách thức bạn đang nhận và diễn dịch thông tin, cách bạn đưa ra quyết định, cách bạn tổ chức cuộc sống của mình, và quan trọng nhất là cách bạn tiếp thu các nguồn năng lực tích cực (nói cách khác là làm thế nào để bạn cảm thấy vui vẻ, hứng khởi).

Có một số bài trắc nghiệm giúp bạn nhận thức về các nét tính cách đặc trưng của bản thân. Tuy nhiên, đừng bao giờ làm trắc nghiệm khi bản thân bạn chưa tự vẽ ra được con người của mình. Trắc nghiệm là phương cách để kiểm nghiệm các cảm nhận của bạn. Trắc nghiệm không phải là người thầy nói cho bạn biết bạn là ai. 

Giá trị theo đuổi

Điều gì là quan trọng nhất đối với bạn? Điều gì mà bạn sẽ không thỏa hiệp vì nếu thay đổi nó, bạn sẽ không còn là bạn? 

Giá trị theo đuổi là những niềm tin cực kỳ quan trọng đối với bạn. Mặc dù việc xác định các giá trị có thể thay đổi theo thời gian và trải nghiệm sống của mỗi người, nhưng nhìn chung các giá trị xác lập sau tuổi trưởng thành thường khá ổn định và sẽ là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời bạn trong cuộc sống và công việc. Vì vậy, nhiều nghiên cứu cho rằng tuy không dễ nhận ra, nhưng giá trị đóng vai trò then chốt trong sự hài lòng về nghề nghiệp.

Một số giá trị nghề nghiệp phổ biến bao gồm trung thực, chính trực, tôn trọng, thành tựu, đa dạng, cởi mở, lắng nghe, hỗ trợ, công nhận, tin tưởng, được trao quyền, sáng tạo, thử thách, thoải mái, tự do, linh hoạt, ….  

Phong cách ra quyết định của bạn

Trong con đường định hướng và phát triển nghề nghiệp, bạn sẽ liên tục đưa ra những quyết định công việc. Vì vậy nhận ra phong cách ra quyết định chủ đạo của bản thân sẽ giúp bạn tránh được các hạn chế của từng phong cách. 

Dưới đây là một số ví dụ về phong cách ra quyết định. Bạn sử dụng (những) phong cách nào?

  1. Theo trực giác: Bạn ra quyết định theo trực giác mách bảo, theo điều bạn cảm thấy phù hợp với bản thân.
  2. Theo tính hợp lý: Bạn luôn luôn phân tích ưu và nhược điểm của các lựa chọn trước khi ra quyết định.
  3. Theo mức độ tương thích : Quyết định của bạn luôn dựa trên tiêu chí phải tương thích với các giá trị, sở thích và kỹ năng của bản thân?
  4. Theo sự cân nhắc các mối quan hệ: Khi ra quyết định, bạn luôn cân nhắc các câu hỏi như: Những ai xung quanh tôi sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định này? Suy nghĩ của họ sẽ ảnh hưởng đến quyết định của tôi như thế nào?

Nhận ra được điểm mạnh của bản thân, những điều khiến bản thân hứng thú và những giá trị bản thân muốn theo đuổi là căn cứ để bạn tự tin bắt đầu hành trình khám phá và định hướng công việc tương lai. Công việc này cần thời gian và không gian để trải nghiệm và kiểm chứng. Do đó rất cần sự thông hiểu và tiếp sức của gia đình và nhà trường. Khi việc tìm hiểu bản thân được bắt đầu quá trễ, hoặc môi trường học tập và sinh hoạt không tạo điều kiện cho quá trình này, học sinh và gia đình có thể cần đến sự trợ giúp của các đơn vị chuyên nghiệp.