Với sự tiến bộ của thế giới kỹ thuật số, các thế hệ trẻ càng trở nên đa dạng và khác biệt hơn. Gen Z, thế hệ sinh từ năm 1997 đến năm 2012, đang dần trưởng thành và bắt đầu tiến vào hành trình sự nghiệp của mình. Tuy nhiên, sự khác biệt trong giá trị và phong cách sống của Gen Z so với phụ huynh Gen X đã dẫn đến những thách thức khác nhau trong hành trình sự nghiệp của họ. Gen Z cần gì và làm sao phụ huynh có thể hỗ trợ con mình tốt hơn trên bước đường sự nghiệp? Bài viết hiểu về Gen Z sau đây sẽ phần nào giúp các vị phụ huynh có con là Gen Z đang tìm định hướng cho con đường sự nghiệp.

Thuận lợi và khó khăn của Gen Z so với các thế hệ trước

Dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên hơn

Thế giới kỹ thuật số gần như là ngôi nhà thứ hai của Gen Z. Các bạn trẻ hiện nay được tiếp xúc với công nghệ rất sớm. Nếu ban đầu việc tiếp cận kỹ thuật số chỉ là một hệ quả gián tiếp khi ba mẹ bận rộn ít thời gian dành cho con thì hiện tại cho con tiếp xúc với thế giới digital đã là một sự đầu tư của những phụ huynh tân tiến.

Vì vậy, không hề bất ngờ khi Gen Z có thể biết lập trình chỉ trong 1 tuần hay tham gia các khóa học xuyên biên giới với Coursera, Udemy. Cần giải đáp thắc mắc thì có Wikipedia, Google, hay thậm chí là những công cụ AI mới như Chat GPT. Gen Z có một lợi thế đặc biệt so với những thế hệ trước khi có thể tiếp cận cả thế giới chỉ với một chiếc smartphone. 

Các nguồn lực tài chính ngoài gia đình

Ngày nay, startup đã là một khái niệm không còn xa lạ. Đi kèm với startup là các nguồn vốn từ cả chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và các nhà đầu tư tư nhân cho các vườn ươm doanh nghiệp. Các cuộc thi như Shark Tank cũng ngày một nhiều hơn, cung cấp cho Gen Z một hướng đi mới cho con đường sự nghiệp của mình. Các nguồn lực tài chính ngoài gia đình cũng tạo cho các bạn trẻ một tinh thần doanh nhân từ sớm và tự tin hơn trong việc theo đuổi ước mơ của mình.

Cánh cửa rộng mở của những tập đoàn lớn hay đại học danh tiếng

Giữa một thế giới mở và toàn cầu hoá, Gen Z có thể mơ xa hơn đến những tập đoàn lớn hay theo học những đại học danh tiếng. Những điều mà các thế hệ trước thậm chí không dám nghĩ đến. Các doanh nghiệp lớn cũng mở ra nhiều chương trình thực tập hơn cho các bạn trẻ như Microsoft, Google. Những cơ hội này thậm chí mở ra cho bạn khi bạn vẫn còn trên ghế nhà trường.

Cơ hội đi kèm với áp lực

Những tưởng Gen Z đang có tất cả “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” với tất cả những yếu tố trên. Nhưng cơ hội luôn đi kèm với thách thức. Các bạn Gen Z phải chịu áp lực lớn hơn và sớm hơn từ bạn bè đồng trang lứa, gia đình và xã hội.

Các nguồn thông tin mở cũng mang đến những thách thức về việc an toàn thông tin hay bội thực thông tin. Vì vậy, sức khỏe tinh thần cũng là một điều mà thế hệ Gen Z gặp phải nhiều hơn những thế hệ trước. Cho dù các bạn trẻ có điều kiện tốt hơn nhưng vai trò của gia đình và phụ huynh trong việc định hướng và hỗ trợ con cái vẫn luôn rất quan trọng.

Sự khác biệt trong hành trình sự nghiệp giữa con Gen Z và phụ huynh (đa phần là gen X) 

Cho mãi đến những năm đầu thế kỷ 21 con đường sự nghiệp của cá nhân vẫn được ví như một cái thang mà mỗi người sẽ cố gắng để từng bậc từng bậc vươn lên cao ở nơi làm việc. Thế nhưng con đường sự nghiệp không phải lúc nào cũng theo đường thẳng. Bạn có thể được đào tao ra làm một kỹ sư xây dựng và 20 năm sau được ghi nhận như một diễn giả có danh tiếng.   

Hiện nay, dưới sự phát triển vũ bão của khoa học công nghệ, tác động ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu cũng như nhiều vấn đề toàn cầu khác, câu chuyện vào đời và phát triển nghề nghiệp của các bạn trẻ gen Z đã gần như không còn …..  so với thế hệ ba mẹ của mình. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số điểm khác biệt đặc trưng về sự nghiệp giữa hai thế hệ.

 Lựa chọn nghề nghiệp – tập trung hay đa dạng

Gen Z có xu hướng tìm kiếm sự đa dạng trong sự nghiệp của mình. Họ không muốn bị giới hạn trong một lĩnh vực duy nhất mà thay vào đó muốn khám phá nhiều lĩnh vực khác nhau để khám phá tiềm lực của bản thân. Điều này đòi hỏi gen Z phải có tính chiến lược khi đưa ra lựa chọn nghề nghiệp và khả năng học tập liên tục.

Ngược lại, phụ huynh thường mong muốn con mình tập trung vào việc tìm kiếm một công việc ổn định và thu nhập cao nhất có thể. Tần suất thay đổi công việc nhanh là một yếu tố rủi ro cao trong mắt của phụ huynh. Điều này có thể tạo ra sự mâu thuẫn khi con cái của họ chưa tìm được sự hứng thú trong các công việc đã làm và mong muốn tiếp tục thử thách mình nhưng không được có được sự thông hiểu và ủng hộ từ phía phụ huynh.

Giá trị nghề nghiệp – ổn định hay linh hoạt

Gen Z có xu hướng thích làm việc trong một môi trường đa dạng và chủ động. Họ muốn được đóng góp ý kiến và được tôn trọng ý kiến của mình. Họ cũng muốn có sự linh hoạt trong việc sắp xếp thời gian làm việc. Đặc biệt là gen Z rất coi trọng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Khác với ba mẹ, các bạn trẻ cho rằng các hoạt động giải trí và tinh thần là nhu cầu bức thiết cũng như ăn, uống, thở; việc dành một phần thời gian, tài chính và công sức cho các hoạt động này là hoàn toàn hợp lý. Vì thế môi trường làm việc đáp ứng nhu cầu này sẽ được ưu tiên. 

Trong khi đó, sinh ra và trưởng thành trong giai đoạn kinh tế xã hội còn khó khăn, phụ huynh có xu hướng coi trọng một môi trường làm việc an toàn, ổn định và sự cam kết với công việc. Điều này đôi khi dẫn đến sự mất cân bằng giữa yêu cầu công việc và nhu cầu cuộc sống. Khác biệt quan điểm về các ưu tiên công việc và môi trường làm việc lý tưởng có thể khiến phụ huynh đôi lúc khó hiểu trước sự lựa chọn của con trẻ.

Yêu cầu công việc – bằng cấp hay kỹ năng

Chứng chỉ, bằng cấp học thuật trong một thời gian dài đã là các tiêu chí tuyển dụng hàng đầu của gần như tất cả các loại hình công việc. Do đó đầu tư vào việc học chính quy để đạt được bằng cấp với số điểm cao nhất luôn là mục tiêu tối thượng mà phụ huynh đề ra cho con mình. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ở nhiều loại hình công việc, các công ty dần mở rộng tiêu chí tuyển dụng dựa trên kỹ năng và kinh nghiệm thực tế để có thể đáp ứng sự phát sinh liên tục các yêu cầu công việc mới mà bên đào tạo chính quy chưa cung ứng kịp. Bạn trẻ gen Z có nhiều cơ hội được tuyển dụng hơn ba mẹ mình. Các câu chuyện thành công khi còn trên ghế nhà trường nhờ tích lũy được một số kỹ năng và kinh nghiệm thông qua các trải nghiệm thực tế được lan truyền nhanh chóng. Điều này khiến tầm quan trọng của bằng cấp chính quy đang giảm đi rất nhiều trong mắt các gen Z và tạo cho phụ huynh một sự bất an khi thấy con mình xa rời con đường chính thống. 

Rõ ràng là việc thiên hẳn về kỹ năng hay bằng cấp học thuật đều không phù hợp với thế giới nghề nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, tìm ra cách để đáp ứng phù hợp cho cả hai nhu cầu này đang là một câu hỏi khó mà cả phụ huynh và các bạn gen Z cần trao đổi thẳng thắn với nhau để tìm ra câu trả lời. 

Kỹ năng số – giá trị tăng thêm hay kỹ năng thiết yếu

Khi thế hệ phụ huynh bước vào thế giới nghề nghiệp, các kỹ năng về máy tính và ngoại ngữ là những giá trị giá tăng khiến họ nổi bật và dễ dàng có được những công việc tốt và sự thăng tiến nghề nghiệp nhanh chóng. Còn gen Z là thế hệ được sinh ra và lớn lên trong thời đại số. Nhiều bạn được tiếp xúc với thiết bị công nghệ trước khi cầm đến quyển tập. Giờ đây, trong thế giới nghề nghiệp mà các bạn đang dần bước vào, các kỹ năng số như sử dụng phần mềm văn phòng, phần mềm đồ họa, các hình thức truyền thông mạng xã hội đã trở thành kỹ năng thiết yếu bắt buộc phải có. Sự xuất hiện ngày càng nhiều, càng nhanh các công cụ kỹ thuật số buộc các bạn trẻ phải liên tục cập nhật kiến thức-kỹ năng. Đó cũng là thách thức không nhỏ cho các bạn gen Z trong hành trình phát triển sự nghiệp. 

Vì vậy, họ có khả năng sử dụng công nghệ và kỹ năng sống tốt hơn so với các thế hệ trước đó. Họ thường có kỹ năng mềm tốt, bao gồm khả năng làm việc nhóm, giao tiếp và tự giải quyết vấn đề. Điều này làm cho Gen Z trở thành một nguồn lực có giá trị cho các công ty hiện đại. Tuy nhiên, phụ huynh Gen X thường có xu hướng coi trọng những kỹ năng truyền thống hơn như kỹ năng quản lý thời gian và kỹ năng giao tiếp trực tiếp. Điều này có thể gây ra sự khác biệt trong cách Gen Z và phụ huynh Gen X đánh giá các kỹ năng quan trọng trong sự nghiệp.

Vai trò của phụ huynh trên hành trình sự nghiệp của Gen Z

Lời khuyên nghề nghiệp của cha mẹ có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự lựa chọn nghề nghiệp của con cái. Vì vậy, hơn ai hết, phụ huynh cần hiểu về Gen Z, hiểu sự khác biệt của hai thế hệ, sự thay đổi nhanh chóng của sự nghiệp 4.0 và những yếu tố có thể ảnh hưởng đến con.

Biết được khi nào là thời điểm vàng để đồng hành cùng con trên hành trình sự nghiệp hay định hướng nghề nghiệp. Biết được những gì mình có thể đầu tư cho con để con đạt được ước mơ của mình. Và quan trọng hơn hết là một người bạn đồng hành chia sẻ cùng con. Dù bạn có chuyên môn trong lĩnh vực con yêu thích hay không thì việc lắng nghe chia sẻ của bạn luôn là một nguồn động viên to lớn cho con trẻ.

Trong xã hội Việt Nam, sự gắn kết giữa ba mẹ và con cái vẫn rất chặt chẽ. Dù trực tiếp hay gián tiếp, những kỳ vọng và lời khuyên của ba mẹ đều có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sự lựa chọn nghề nghiệp của con. Hiểu được sự khác biệt trong hành trình phát triển sự nghiệp của mình và thế hệ của con sẽ giúp ba mẹ đưa ra ý kiến phù hợp, giúp con đạt được mục tiêu sự nghiệp và tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Phụ huynh và gen Z có thể cùng nhau tạo ra một tương lai tốt đẹp và đầy triển vọng cho hành trình sự nghiệp của con trẻ.

Để đáp ứng nhu cầu của con cái Gen Z, phụ huynh Gen X cần có sự hiểu biết và tôn trọng sự khác biệt trong giá trị và phong cách sống. Thông qua việc cung cấp sự hỗ trợ và khuyến khích, phụ huynh có thể giúp con cái của họ đạt được mục tiêu sự nghiệp và tìm kiếm sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Với sự hiểu biết và sự hợp tác, phụ huynh và Gen Z có thể cùng nhau tạo ra một tương lai tốt đẹp và đầy triển vọng cho hành trình sự nghiệp của con trẻ.