Tú Anh đang bước vào giai đoạn cuối kỳ thực tập, đối mặt với áp lực học tập, báo cáo, và cả thực tế cuộc sống. Từ khóa “việc làm”, “phỏng vấn”, “lương cao”, “thất nghiệp” bắt đầu xuất hiện trong từ điển của sinh viên năm cuối, khiến Tú Anh bận rộn và lo lắng.
Bữa cơm gia đình chuyển từ chuyện trường lớp sang các câu hỏi về công việc, về cơ hội thực tập, về tương lai nghề nghiệp. Thấy con hoang mang, cha mẹ Tú Anh rất muốn giúp con tự tin định vị cho những thử thách nghề nghiệp đầu tiên này. Tuy nhiên, bản thân cha mẹ cũng thấy bối rối vì thế giới công việc ngày nay quá khác biệt so với thời điểm ba mẹ vào đời. Chẳng những thế, những suy nghĩ, kỳ vọng, mong ước về cuộc sống và nghề nghiệp của bạn trẻ gen Z cũng là những ẩn số khó hiểu với ba mẹ. Tình huống trên khá là điển hình của nhiều gia đình có con bước vào năm cuối đại học, đặc biệt là những trường hợp con học các ngành nghề quá mới mẻ, vượt qua sự hiểu biết của ba mẹ. Con thường phải tự “bơi” trong “đại dương” thông tin tuyển dụng và rải hồ sơ “may rủi”.
Để giúp quá trình chuyển đổi từ “đi học” sang “đi làm” của con trở nên nhẹ nhàng hơn, LMI (Labor Market Information – Thông tin thị trường lao động) là một công cụ rất hữu ích giúp cha mẹ có đầy đủ thông tin xác đáng để cùng con tính toán cho bước khởi đầu của hành trình sự nghiệp.
Thông tin Thị trường lao động (LMI) bao gồm:
1. Tình trạng, xu hướng việc làm: Tìm hiểu trên báo đài, các kênh thông tin để nắm được xu hướng đầu tư, chuyển đổi ngành nghề của quốc gia hoặc địa phương để dự đoán ngành nghề công việc mình chọn sẽ có hướng phát triển hay thoái trào.
2. Thông tin cung – cầu lao động, biến động nhu cầu lao động trên thị trường: Các kênh báo cáo của Tổng cục thống kê, các tổ chức kinh tế, tổ chức phi chính phủ liên quan lĩnh vực nghề nghiệp, đầu tư, kinh tế – thị trường để nắm thông tin xem ngành nào đang cần nhiều lao động trong nhiều năm tới, hoặc nước nào trên thế giới cần lao động ở mảng nào. Các thông tin này giúp đánh giá mức độ cạnh tranh tuyển dụng, cũng như sự ổn định của công việc ở ngành nghề này.
3. Thông tin về tuyển dụng: công dân nước ngoài làm việc tại Việt nam và lao động Việt Nam làm việc ở người ngoài theo hợp đồng: Nếu con bạn muốn tìm việc ở nước ngoài, cổng thông tin của các chính phủ có thể cung cấp thông tin về tình hình việc làm và nhu cầu tuyển dụng ở các lĩnh vực ngành nghề. Thông tin tuyển dụng người nước ngoài ở Việt Nam cũng cho thấy xu hướng phát triển ngành nghề đó trong nước.
4. Thông tin về tiền lương, tiền công: Các thông tin này được tìm thấy trong báo cáo tiền lương của các công ty khảo sát thị trường và việc làm, các công ty săn đầu người, trên báo chí hoặc các hội nhóm của nhân viên các công ty…. Tìm hiểu về mức lương, cách trả lương, các quyền lợi lao động, văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến…rất quan trọng để thực tế hóa việc lựa chọn công việc nhằm tạo sự ổn định cho sự nghiệp và cuộc sống tương lai
SiF hy vọng rằng những gợi ý trên sẽ giúp nhiều cha mẹ và người trẻ như Tú Anh có được định hướng tốt hơn trong hành trình đi tìm sự nghiệp bền vững. SiF sẵn sàng đồng hành cùng quý phụ Huynh nếu cần sự hỗ trợ chuyên môn hơn trên hành trình này.